ANNIE

Chiêu Hoàng

 

Tôi quen em trên chuyến bay dài từ phi trường LAX tới Nhật Bản. Em ngồi kế tôi. Bên khung cửa sổ, thẫn thờ nhìn những đám mây trắng bay là đà phía dưới. Thoạt tiên, tôi thấy em có một vẻ gì là lạ, bất thường, nhưng chưa nhận ra được sự bất thường đó ở chỗ nào. Với một khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt được núp qua cặp kính cận, mái tóc bum bê vừa quá tai, nhìn thoáng, thấy chẳng có gì gọi là bất thường, nhưng tôi có một cảm giác nào đó làm tôi phải chú ý đến em...

Chỉ cần khoảng mười phút là tôi nhận ra điểm bất thường đó. Mọi hành vi, động tác của em đều có vẻ hơi chậm, hình như trí óc em làm việc chậm hơn người thường, cộng thêm giọng nói hơi ngọng của em. Hỏi ra, em năm nay đã 29 tuổi, nhưng trông em giống như một đứa con nít khoảng mười ba. Em có một tâm hồn rất nhạy cảm. Lần đầu tiên tôi bắt gặp em khóc khi em cứ nhìn mãi qua khung cửa. Những giọt nước mắt cứ thi nhau tuôn chảy. Hỏi. Em im lặng chẳng nói. Tôi tôn trọng nỗi buồn của em và kiên nhẫn chờ cho cơn cảm xúc đi qua.

Trong lúc chờ đợi, tôi ngồi xếp bằng trên ghê. Lấy em làm đối tượng để khởi lên một tâm từ. Thời gian cứ trôi. Chẳng biết đến lúc nào thì tôi nghe tay áo mình hơi lay động. Tiếng em nói khe khẽ bên tai:

- Người ta đang đem đồ ăn đến đấy. Chị có muốn ăn không?

Tôi hít vào một hơi dài, rồi từ từ thở ra. Mở mắt nhìn em. Em đã hết khóc. Đôi mắt đen lay láy nhìn tôi. Cái nhìn nửa tò mò, nửa sợ hãi, tựa như em sợ tôi có thể làm hại em bất cứ lúc nào.

Tôi làm quen em bằng nụ cười thiện cảm:

- Tên tôi là Mai. Còn em? Em tên gì?

- Annie.

- Em cũng đi Ấn Độ phải không?

- Không. Em qua Nhật!

Em nhìn tôi mỉm cười, cái cười dài dại của một người với một đầu óc không bình thường. Em có nhiều cử chị vô ý thức cùng những câu hỏi ngô nghê, không đầu, không cuối. Những câu hỏi mà đôi khi chẳng cần đến câu trả lời của người đối diện. Chỉ cần vài phút sau là chúng tôi trở thành đôi bạn. Qua lời em nói không rõ lắm, nhưng tôi có thể chắp nỗi những mẩu đối thoại và hiểu một cách đại khái rằng em qua Nhật để chữa bệnh, bệnh gì em chả biết, nhưng em không được tham gia với xã hội bình thường. Em có đi học nhưng phải đến một nơi cho trẻ em khuyết tật, mà ở đó, sự học chỉ cố làm sao khơi động cho trí óc của em được hoạt động một cách chính xác hơn. Chính vì vậy mà đến giờ này, đã 29 tuổi rồi mà em vẫn chỉ biết đọc và viết ê a những mẩu truyện thần thoại trẻ con được in bằng những khuôn chữ to quá khổ. Em rất dễ buồn phiền và giận tức, không đúng ý em một chút là em cũng nổi cáu lên và đòi hỏi cả thế giới này phài hàng phục theo những gì em muốn. Ngược lại, có khi em lại hiền lành và yếu mềm như một giải lụa, những lúc như thế, em cứ nhìn mãi ở một đối tượng nào đó rồi nước mắt cứ tuôn như mưa…

Em cho tôi mẩu bánh mì ngọt, dù không muốn ăn, nhưng tôi cũng nhận để em được vui sướng khi có cảm giác cho đi.

- Tại sao hồi nãy chị lại không dỗ em khi em đang khóc?

Câu trách móc bất ngờ ấy làm tôi ngạc nhiên. Hơn thế nữa, nó cũng là một tiếng chuông ngân lên rất khẽ trong tim cho tôi biết rằng. Ừ nhỉ. Một ”chúng sanh” đang đối diện với mình. Họ trách móc tựa như mình phải có bổn phận chăm lo đến cho họ vậy. Đúng là tâm trí mình không có đủ trí tuệ, chưa đọc được ý của người khác để làm cho họ vui lòng. Thay vì tôi tôn trọng nỗi buồn của em bằng sự im lặng, điều đáng làm hơn cả là phải an ủi em...

- Ồ. Chị thực sự xin lỗi. Chị thấy em khóc và hỏi thăm, nhưng em mải khóc không trả lời nên chị im lặng chờ đấy chứ...

Với một giọng trách móc cho một người đã phạm một lỗi nặng đối với em:

- Em lại tủi thân, khóc nhiều hơn vì không thấy chị dỗ...

Bằng một cử chỉ trang nghiêm, tôi mỉm cười nắm lấy hai bàn tay em úp lại thành một búp sen khẽ khàng đưa lên miệng thổi vào đó ba lần. Nhắm mắt thành tâm phổ câu chú của ngài Quán Âm trong lòng tay em rồi hân hoan nhìn em mỉm cười:

- Từ giờ về sau em không còn phải lo nữa. Bao giờ em buồn, cần có người an ủi thì em hãy chắp tay lại như vầy - tựa như một búp sen ấy mà - rổi thổi vào đó ba lần như chị vừa làm cho em và tưởng tượng rằng tất cả những nỗi buồn em đã thổi cho gió bay đi hết rồi. Ngược lại, tất cả những niềm vui và hạnh phúc đều lưu lại trong lòng tay em, và em sẽ không bao giờ cảm thấy bơ vơ và buồn rầu nữa.

Một cách rất ngạc nhiên, đôi mắt em mở lớn nhìn tôi:

- Thật hả chị?

- Thật chứ! Nếu em khởi lên một niềm tin từ tận đáy lòng.

Tôi nhìn thấy ánh mắt em lung linh qua cặp kính cận. Tôi cảm nhận được niềm vui từ ánh mắt ấy. Tôi cũng thấy hân hoan như em đang hân hoan. Em xoè bàn tay mình với những đường chỉ chạy ngang, dọc, nhìn vào trong ấy. Bỗng Em hốt hoảng kêu lên:

- Chị ơi, cái-gì-đó chị vừa thổi vào chắc là bay mất tiêu rồi. Em chẳng nhìn thấy gì cả.

Tôi cười khúc khích:

- Em đừng lo, nó vẫn còn đấy. Chính cái-chẳng-thấy-gì-cả mới không bao giờ mất.

Em toét miệng ra cười. Tôi chợt nhận ra rằng, tuy đầu óc em chậm chạp, nhưng tâm vẫn trong sáng, tròn đầy. Chính sự trong sáng tròn đầy ấy để tôi có cơ hội gieo thêm trong em những hạt giống tin yêu.

Một niềm vui tôi hân hoan trao tặng, được em đón nhận một cách nhiệt tình nên nó đã trở thành một dòng nước mát tuôn chảy trong Tôi và Em...

Phía bên kia, tôi thấy ánh mắt người mẹ thỉnh thoảng nhìn hai mái đầu chụm lại và những tiếng cười khúch khích. Tuy chẳng nghe được chúng tôi nói gì nhưng bà cũng mỉm cười.

Tôi đem nụ cười, khuôn mặt em đi nốt con đường qua Ấn.

Annie. Người bạn trẻ.

Dù chỉ một thoáng gặp gỡ nhưng tôi không thể quên em bao giờ...

 

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 01/03/11